Nợ Xấu Là Gì? Cách Phòng Tránh Và Xóa Nợ Xấu
Nợ xấu là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong lĩnh vực vay vốn/tín dụng thế nhưng không ít người vẫn còn đang mông lung về cụm từ này. Vậy nợ xấu là gì? Nó có ảnh hưởng gì đến khả năng vay vốn của chúng ta? Đọc bài viết dưới đây của AlphaLoan để nắm được những thông tin cơ bản mà bạn cần biết về nợ xấu nhé!
1. Nợ xấu là gì?
Nợ xấu được dùng để chỉ những khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi khi đến hạn thanh toán đã cam kết trong hợp đồng. Trung tâm tín dụng quốc gia CIC sẽ thu thập và lưu trữ thông tin về các trường hợp nợ xấu, ngân hàng và các tổ chức tín dụng có thể sử dụng những thông tin này làm để đánh giá cũng như xét duyệt hồ sơ vay vốn của người đi vay.
2. Phân nhóm các trường hợp nợ xấu
Theo quy định của pháp luật các trường hợp nợ được phân loại như sau:
2.1. Trường hợp nợ chưa được xem là nợ xấu:
2.1.1. Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
- Các khoản nợ còn trong thời hạn được đánh giá là có khả năng thu hồi lãi và gốc đúng hạn;
- Các khoản nợ hạn quá dưới 10 ngày và được đánh giá là vẫn có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi bị quá hạn và số tiền gốc, lãi còn lại trong thời hạn hợp đồng;
- Các khoản nợ được phân loại là có rủi ro thấp;
2.1.2. Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn thanh toán đến 90 ngày so với thời hạn ban đầu trong hợp đồng;
- Các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán nhưng đã được điều chỉnh thời hạn trả nợ lần đầu;
2.2. Trường hợp được xem là nợ xấu
2.2.1. Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày;
- Các khoản nợ được miễn/giảm lãi do bên vay không đủ khả năng chi trả;
- Các khoản nợ được gia hạn lần đầu và còn trong hạn thanh toán;
2.2.2. Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày;
- Các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đã quá hạn đến 90 ngày ;
- Các khoản nợ trong hạn nhưng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến lần thứ hai;
- Các khoản nợ được yêu cầu thu hồi theo quyết định thanh tra/kiểm tra nhưng vẫn chưa thu hồi thành công sau 60 ngày tính từ ngày ra quyết định;
- Các khoản nợ được yêu cầu thu hồi do người vay vi phạm thỏa thuận với ngân hàng/tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa thu hồi được sau 30 đến 60 ngày kể từ lúc có quyết định thu hồi;
2.2.3. Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
- Các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng đã quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn được cơ cấu trả nợ mới;
- Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng vẫn quá hạn;
- Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ lần thứ ba trở nên;
- Các khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thanh tra/kiểm tra hoặc vi phạm thỏa thuận với ngân hàng/tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi;
3. Nợ xấu ảnh hưởng thế nào đến người đi vay?
Nếu bạn nằm trong danh sách nợ nhóm 1 và 2 thì không có quá nhiều ảnh hưởng, bạn vẫn có thể đăng ký vay vốn bình thường tại hầu hết ngân hàng và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên những trường hợp nợ xấu nhóm 3,4,5 rất khó được xét duyệt hồ sơ vay vốn. Một khi đã nằm trong danh sách nợ xấu từ nhóm 3 trở lên của CIC sẽ mất một khoảng thời gian khá dài (từ 12 tháng đến 5 năm) để lịch sử nợ xấu của bạn được xóa khỏi hệ thống kể cả khi bạn đã hoàn thành mọi nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Do đó việc không để bản thân rơi vào danh sách nợ xấu là rất quan trọng nếu bạn không muốn ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai.
4. Cách kiểm tra nợ xấu
Có 2 cách đơn giản nhất để bạn đọc có thể kiểm tra bản thân có bị nợ xấu không đó là kiểm tra nợ xấu qua trang web của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) hoặc tra cứu qua ứng dụng CIC Connect.
4.1. Kiểm tra nợ xấu qua website chính thức của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia:
Để tra cứu nợ xấu qua trang web CIC bạn đọc hãy làm theo những bước sau:
Bước 1: Truy cập vào website chính thức của CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/
Bước 2: Đăng ký và điền các thông tin cá nhân được yêu cầu
- Họ và tên
- Ngày sinh
- Số điện thoại
- Số CCCD/CMND
- Ảnh chụp CCCD/CMND
- Địa chỉ thường trú
Bước 3: Đặt mật khẩu cho tài khoản của bạn
Bươc 4: Lấy mã OTP được gửi về số điện thoại của bạn và nhập vào phần bảo mật, mã bảo mật để tiếp tục quá trình đăng ký
Bước 5: Nhân viên CIC sẽ gọi điện thoại cho bạn để xác minh thông tin đăng ký thông qua một vài câu hỏi và sẽ thông báo đăng ký thành công nếu thông tin bạn cung cấp là chính xác
Bước 6: Truy cập vào hệ thống CIC bằng tài khoản vừa đăng ký và tra cứu thông tin nợ xấu theo nhu cầu của bạn
4.2. Tra cứu nợ xấu qua ứng dụng điện thoại CIC Credit Connect
Ngoài việc tra cứu qua website, bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng của CIC để tra cứu thông tin nợ xấu theo các bước sau:
Bước 1: Tải ứng dụng CIC Credit Connect (iCIC) qua App Store cho iOS hoặc Play Store cho Android
Bước 2: Đăng ký tài khoản bằng cách nhập các thông tin được yêu cầu
Bước 3: Nhập mã OTP được gửi về điện thoại để xác nhận và hoàn tất quá trình đăng ký
Bước 4: Chọn “Khai thác báo cáo” để tra cứu lịch sử tín dụng và trạng thái nợ xấu
Bước 5: Xác thực bảo mật bằng một trong các hình thức nhập mật khẩu/quét vân tay/Face ID
Bước 6: Tiến hành mua báo cáo tín dụng
Bước 7: Kiểm tra báo cáo để biết lịch sử tín dụng và trạng thái nợ xấu của bản thân
5. Cách để xóa nợ xấu
Cách duy nhất để xóa nợ xấu chính là thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc và lãi cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cho bạn vay vốn. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ dưới đây để giảm thiểu thiệt hại do nợ xấu mang lại trong những trường hợp trả nợ chậm:
- Ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ dưới 10 triệu đồng vì theo quy định của Ngân hàng nhà nước các khoản nợ dưới 10 triệu đã tất toán xong sẽ không được lưu trong lịch sử tín dụng của CIC.
- Dồn mọi nguồn lực tài chính đang có để giữ nợ xấu ở mức 2 vì trạng thái nợ xấu mức 2 chỉ được lưu trữ trong 12 tháng trong khi nợ xấu ở mức 3,4,5 có thể mất đến 5 năm để xóa khỏi lịch sử tín dụng.
- Không vay thêm của một bên thứ 3 khác để trả nợ, hành vi này sẽ tạo ra hiện tượng nợ chồng nợ dẫn đến mất hoàn toàn khả năng thanh toán.
6. Những điều cần lưu ý để phòng tránh nợ xấu
Phòng tránh nợ xấu là điều hoàn toàn khả thi nếu bạn áp dụng được những nguyên tắc dưới đây:
- Không đăng ký những khoản vay lớn và có lãi suất vượt khả năng chi trả của bản thân
- Kiểm tra tính hợp pháp và uy tín của bên cho vay
- Nắm rõ mọi điều khoản trong hợp đồng vay để hạn chế những vi phạm phải đền bù hợp đồng dẫn đến nợ xấu
- Lên kế hoạch thanh toán rõ ràng cho mọi khoản vay
- Sử dụng dịch vụ nhắc nợ, trả nợ tự động, nhận báo cáo tín dụng để hạn chế tình trạng quên hoặc trả nợ trễ hạn
Và đó là tất cả thông tin mà AlphaLoan muốn chia sẻ cho bạn đọc về nợ xấu là gì cũng như những điều mà bạn đọc nên biết về nợ xấu. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn đưa ra những lựa chọn tài chính sáng suốt cho bản thân mình!